Những khoảnh khắc “đau tim”, không thể dự đoán được là một phần của trải nghiệm khi bạn tham gia vào thị trường tiền mã hóa. Tuy nhiên, sự biến động giá trong tuần qua đủ để khiến một số người trung thành với tiền mã hóa cũng phải tự hỏi rằng liệu thị trường có bị sụp đổ hay không, theo CNN.
Vào ngày 19/5, một “vụ tai nạn” nghiêm trọng với tiền mã hóa đã xảy ra trên diện rộng, xóa sổ khoảng 1.000 tỷ USD giá trị thị trường, mức giảm đáng kinh ngạc từ 2,5 nghìn tỷ USD chỉ một tuần trước.
Bitcoin, chiếm hơn 40% giá trị thị trường tiền mã hóa toàn cầu, đã giảm giá 30% xuống chỉ còn 30.000 USD – mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021.
Đến ngày 21/5, bitcoin đã tăng nhẹ trở lại lên khoảng 37.000 USD bất chấp những lo ngại liên tục về quy định, chế tài. Dĩ nhiên, mức giá này kém xa mức cao nhất mọi thời đại, mức trên 64.000 USD mà nó đạt được một tháng trước.
Sự biến động là không thể tránh được với thị trường tiền mã hóa non trẻ, nhưng sự tăng trưởng bùng nổ của tài sản kỹ thuật số trong năm qua đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư nghiệp dư và chuyên nghiệp đang tìm kiếm lợi nhuận nhanh chóng. Nhiều người trong số họ đi lên và thoát ra, hoặc hoảng sợ bán khi mọi thứ trở nên tồi tệ, làm trầm trọng thêm khoản lãi hoặc lỗ.
Vậy thực tế, đâu là nguyên nhân thực sự dẫn đến biến động giá? Quy định của chính phủ, những người dẫn dắt, ảnh hưởng tới thị trường như Elon Musk khiến thị trường vốn đã bất ổn càng thêm bất ổn? Liệu hiện tại có phải thời điểm bong bóng bitcoin vỡ và tương lai nào cho tài sản kỹ thuật số?
CHUYỆN GÌ ĐÃ XẢY RA VỚI BITCOIN, TIỀN MÃ HÓA?
Thực tế, thị trường tiền mã hóa đã rung chuyển trong khoảng một tuần trước khi xảy ra sự cố hôm 19/5. Cụ thể, vào ngày 12/5, bitcoin đã giảm 12% sau khi Elon Musk từ chối thực hiện cam kết của Tesla về việc chấp nhận bitcoin như một phương tiện thanh toán với lý do lo ngại về lượng khí thải carbon khổng lồ của tiền mã hóa.
Cuối tuần đó, Musk cũng làm tăng thêm sự lo lắng của các nhà đầu tư với cặp bài đăng mâu thuẫn với nhau về bitcoin.
Sau đó, việc bitcoin rớt giá cực mạnh cũng xảy ra sau khi chính phủ Trung Quốc có động thái sẽ mạnh tay với tiền mã hóa ở nước này. Vào thời điểm đó, ngân hàng trung ương đã đưa ra cảnh báo cho các tổ chức tài chính và doanh nghiệp Trung Quốc không chấp nhận tiền tệ kỹ thuật số để thanh toán hoặc cung cấp dịch vụ sử dụng chúng.
Mối đe dọa từ việc triển khai các quy định đã gây ra một cơn hoảng loạn và bitcoin đã lao dốc trước khi phục hồi nhẹ rồi chững lại. Các loại tiền mã hóa khác cũng giảm: Ethereum giảm hơn 40%, trong khi Dogecoin và Binance mất khoảng 30%.
Một ngày sau đó, bitcoin đã phục hồi trở lại mức giá trên 41.000 USD nhưng một tuyên bố hôm 21/5 của Trung Quốc lại một lần nữa đẩy bitcoin vào đà giảm giá. Cho đến nay, bitcoin vẫn trong khoảng trên dưới 37.000 USD. Các loại tiền mã hóa khác cũng không mấy khả quan.
MỐI QUAN TÂM VỀ CÁC QUY ĐỊNH
Trung Quốc từ lâu đã có những giới hạn về giao dịch tiền mã hóa trong biên giới của mình. Các quan chức đã tuyên bố vào năm 2013 rằng bitcoin không phải là tiền tệ thực và cấm các tổ chức tài chính và thanh toán sử dụng nó.
Các cá nhân có thể nắm giữ hoặc giao dịch tiền mã hóa, nhưng các sàn giao dịch lớn ở Trung Quốc đại lục đã bị đóng cửa.
Nhìn bề ngoài, các tuyên bố trong tuần trước chỉ đơn giản nhấn mạnh sự nghi ngờ của Trung Quốc đối với tiền mã hóa nói chung. Tuy nhiên, họ đã gửi một tín hiệu rõ ràng rằng Bắc Kinh sẽ không sớm nới lỏng sự kìm kẹp trên thị trường.
Các nhà chức trách cũng đang tung ra đồng nhân dân tệ kỹ thuật số do nhà nước hậu thuẫn để giữ dòng tiền được giám sát chặt chẽ.
Không chỉ ở Trung Quốc mà tại Mỹ, hôm 20/5, Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn mà tiền mã hóa gây ra cho hệ thống tài chính. Powell cũng cho biết ngân hàng trung ương sẽ xuất bản một báo cáo, trong đó chính phủ Mỹ xem xét phát triển đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình, chẳng hạn như đồng USD kỹ thuật số.
Bộ Tài chính nước này cũng đang chuyển sự chú ý của mình sang không gian tiền mã hóa. Các quan chức cho biết bất kỳ giao dịch chuyển tiền điện tử nào có giá trị từ 10.000 USD trở lên đều phải được báo cáo cho Sở Thuế vụ.
“Tiền mã hóa đã đặt ra một vấn đề đáng kể là nguy cơ nó tạo điều kiện cho hoạt động bất hợp pháp trên diện rộng bao gồm cả trốn thuế”, Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong một tuyên bố. “Mặc dù chỉ chiếm một phần tương đối nhỏ trong thu nhập kinh doanh ngày nay, các giao dịch tiền mã hóa có thể sẽ trở nên quan trọng hơn trong thập kỷ tới, đặc biệt là khi có chế độ báo cáo tài khoản tài chính trên diện rộng”.
Theo Bloomberg, bitcoin đã tăng gần 6% vào ngày 20/5 nhưng đã giảm nhẹ sau tuyên bố của các quan chức Mỹ.
Red Magic - Ligue 1 -Quy trình bầu cử - Dortmund - Futsal Việt Nam - Brentford - La Liga
TƯƠNG LAI CỦA TIỀN MÃ HÓA
Biến động mạnh vừa rồi là một “bài kiểm tra” cho những nhà đầu tư tiền mã hóa. Những người tin tưởng thực sự sẽ có xu hướng nhìn xa trông rộng. Vào đầu năm 2020, bitcoin được giao dịch quanh mức 7.000 USD/đơn vị, có nghĩa là nó vẫn tăng hơn 400% trong thời gian đó, ngay cả sau khi sụp đổ trong tuần qua.
William Quigley, Giám đốc điều hành tại quỹ đầu tư tập trung vào tiền mã hóa, cho biết: “Tất cả chúng ta đều có xu hướng tập trung vào từng ngày, từng tuần nhưng đó không phải là cách hầu hết mọi người mua tiền mã hóa, hoặc thậm chí là cổ phiếu.
Với câu hỏi liệu đó có phải là bong bóng không? Có lẽ là phải – theo ý kiến của ông Vitalik Buterin, người đồng sáng tạo ethereum. Trong một cuộc phỏng vấn với CNN Business tuần này, Buterin nói rằng ông không ngạc nhiên về biến động giá vì đó là một xu hướng có thể dự đoán được.
Nguồn: CoinStack