Sự gia tăng đột biến số ca Covid-19 kể từ tháng 4 đã khiến các bệnh viện bị quá tải, nền kinh tế ảnh hưởng nặng nề và các kế hoạch phục hồi du lịch của quốc gia này có nguy cơ đổ bể.
Sự kiện: Dịch COVID-19, Tin tức Thái Lan
Nhân viên y tế Thái Lan tiêm vắc xin AstraZeneca cho người dân ở thủ đô Bangkok. Ảnh: Bloomberg
Theo AP, Thái Lan hôm 17/7 lần đầu tiên có hơn 10.000 ca nhiễm Covid-19 trong ngày và ghi nhận số ca tử vong vì Covid-19 kỷ lục ở nước này với 141 ca. Dù trước đó Thái Lan đã áp dụng các lệnh giới nghiêm ở Bangkok và một số tỉnh khác nhưng số ca nhiễm vẫn không ngừng tăng.
"Tôi muốn nói để mọi người hiểu được sự cần thiết của việc chúng ta phải sớm áp dụng các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt hơn. Tất cả chúng ta phải chấp nhận thực tế là mọi người sẽ bị ảnh hưởng và bất tiện về nhiều mặt", Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha viết trên tài khoản Facebook chính thức vào tối 16/7.
Số ca nhiễm không ngừng tăng nhanh từ tháng 4 khiến các bệnh viện bị quá tải, nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng và kế hoạch phục hồi du lịch - một ngành trọng điểm của Thái Lan - bị đặt nhiều dấu hỏi.
Tỷ lệ tiêm chủng vắc xin Covid-19 ở Thái Lan chưa cao, với chỉ 5% dân số được tiêm chủng đầy đủ và 15% được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin Covid-19. Nguồn cung vắc xin được cho là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này.
Các ca nhiễm mới tăng nhanh chủ yếu ở thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận. Chính phủ Thái Lan đã ban bố các biện pháp giãn cách bổ sung ngay trong đêm, bao gồm lệnh cấm mọi cuộc tụ tập đông người và nhiều hoạt động có thể làm lây lan Covid-19, trong đó có biểu tình chống chính phủ.
Người vi phạm có thể đối mặt với án phạt tù 2 năm hoặc bị phạt hành chính số tiền lên tới 40.000 baht (gần 30 triệu đồng).
Thủ tướng Prayuth cho biết, các biện pháp giãn cách bổ sung nhằm hạn chế việc đi lại nhiều nhất có thể, đóng cửa các cửa hàng không thiết yếu và làm việc tại nhà. Thủ tướng Thái Lan còn cho biết thêm rằng, ủy ban y tế của chính phủ sẽ thảo luận và nghiên cứu kỹ các biện pháp phong tỏa ở các nước khác trước khi áp dụng với Thái Lan.
Để giảm bớt áp lực cho các bệnh viện, ông Prayuth tuyên bố, giới chức Thái Lan đang cân nhắc cho phép người dân tự lấy mẫu xét nghiệm tại nhà với các bộ xét nghiệm kháng nguyên.
Quan chức y tế Thái Lan hôm 14/7 cho biết, họ sẽ tìm cách kiểm soát để hạn chế xuất khẩu vắc xin AstraZeneca do nước này sản xuất để đáp ứng nhu cầu trong nước.
"Chính phủ sẽ đẩy nhanh việc đảm bảo số lượng vắc xin từ nhiều nguồn khác nhau", Thủ tướng Thái Lan viết trên Facebook cá nhân.
Trước đó, ông Prayuth tuyên bố các kế hoạch cho phép du khách đã tiêm phòng Covid-19 tới Thái Lan mà không cần phải cách ly, dự kiến vào giữa tháng 10.
Từ ngày 1/7, chính phủ Thái Lan đã mở cửa trở lại đảo du lịch Phuket để các khách du lịch đã tiêm phòng đầy đủ và trong thể trạng tốt được phép tới đây và ở lại. Trước đó, phần lớn người dân hòn đảo này đã được tiêm phòng Covid-19.
Kể từ đầu dịch tới nay, Thái Lan ghi nhận hơn 390.000 ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 3.200 ca tử vong.