"Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên tổ chức cho các bệnh nhân xuất viện, mọi người và bác sĩ đều rất vui. Cảm giác hạnh phúc không thể giấu nổi", bác sĩ Hồng Công Danh nói.
Bác sĩ Danh gấp vội tập tài liệu, bước nhanh về phía cổng chính Bệnh viện Dã chiến Điều trị Covid-19 số 1. Ngay lúc này, hàng xe khách nối dài từ ngã tư Trung tâm Giáo dục Quốc phòng đến tận cổng.
Trong sân, hàng trăm người nô nức xách balo, hành lý, chuẩn bị xuất viện sau thời gian cách ly do mắc Covid-19. Tiếng vali kêu, tiếng nói cười và chạy nhảy của những em nhỏ rộn ràng một góc.
Bước tới gần chiếc xe chuẩn bị lăn bánh, phó giám đốc Bệnh viện dã chiến Điều trị Covid-19 số 1 đặt tay lên mặt kính xe. Một em bé kề mặt sát kính xe, đặt bàn tay đối diện tay của ông, nheo mắt cười.
"Trong khoảnh khắc đó, chúng tôi cảm giác mình vừa hoàn thành nhiệm vụ rất lớn. Với Covid-19, khi người bệnh xuất viện, niềm vui của người thầy thuốc rất khác so với bệnh nhân thông thường", bác sĩ Danh nói.
Điều kiện xuất viện
Bác sĩ Danh kể: “Điều mong muốn nhất của tôi là bệnh nhân bình an, được trở về nhà. Bệnh nhân xuất viện đồng nghĩa chúng tôi sẽ nhận thêm được các F0 khác vào. Chúng tôi vui mừng vì đã chăm sóc, theo dõi thành công cho người bệnh, để họ có đủ sức khỏe tiếp tục cách ly tại nhà”.
Xe khách xếp hàng dài chờ chuyển F0 xuất viện về địa phương. Ảnh: Thành Tâm.
Xe khách xếp hàng dài chờ chuyển F0 xuất viện về địa phương. Ảnh: Thành Tâm. |
Bệnh viện dã chiến Điều trị Covid-19 số 1 có công suất gần 5.000 giường cách ly. Trước đó, bệnh viện thuộc tầng 1 trong mô hình tháp điều trị 4 tầng của Sở Y tế TP.HCM. Hiện tại, do nhu cầu điều trị F0, đơn vị được nâng cấp thành tầng 2 của mô hình tháp 5 tầng.
Do đó, bệnh viện này được chia thành 2 khu. Một khu chuyên tiếp nhận, điều trị cho các F0 nhẹ, không triệu chứng. Khu còn lại được nâng cấp thành đơn vị hồi sức cấp cứu, quy mô 20 giường để điều trị những trường hợp trở nặng, suy hô hấp.
Mỗi bệnh nhân khi vào viện đều được nhân viên y tế sắp xếp nơi ở hợp lý, tư vấn giữ khoảng cách, sinh hoạt tại chỗ, ăn uống hay tự theo dõi sức khỏe đúng nguyên tắc phòng dịch.
Mỗi bệnh nhân xuất viện đều đạt đủ điều kiện là chỉ số nồng độ virus thấp CT>=30, test nhanh kháng nguyên âm tính với SARS-CoV-2. Trước khi rời bệnh viện, họ đều ký bản cam kết đủ điều kiện cách ly điều trị tại nhà.
Theo bác sĩ Danh, các điều kiện này bao gồm: Nhà ở biệt lập, phòng cách ly đảm bảo sạch sẽ, thông thoáng khí, không dùng điều hòa; phòng cách ly đầy đủ thùng chứa rác thải có nguy cơ lây nhiễm và dán nhãn cảnh báo; có khu vực bàn trước cửa phòng cách ly để cung cấp suất ăn riêng, nước uống và nhu yếu phẩm; các dụng cụ vệ sinh sử dụng riêng.
Ngoài ra, mỗi F0 khi được điều trị tại nhà cần trang bị dụng cụ đo thân nhiệt cá nhân, khẩu trang y tế, máy đo nồng độ oxy máu qua da (không bắt buộc). Trường hợp có người hỗ trợ vào phòng cách ly, người này phải mặc phương tiện phòng hộ.
Mỗi người sẽ ký tên vào bản cam kết này. Nếu vi phạm, họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và đền bù các chi phí phát sinh do không tuân thủ quy định về cách ly y tế tại nhà.
Mỗi bệnh nhân xuất viện là một thành công
Bác sĩ Danh cho biết khi vào khu cách ly, các bệnh nhân phải hạn chế thói quen hàng ngày. Điều này khiến không ít người lo lắng. Bởi vậy, các nhân viên y tế luôn có mặt kịp thời để động viên tinh thần, giúp người bệnh không gặp vấn đề về tâm lý khi điều trị.
Với bác sĩ Danh và các nhân viên y tế tại Bệnh viện dã chiến số 1 TP.HCM, mỗi F0 được phép xuất viện đều là một thành công.
Bác sĩ Hồng Công Danh, Phó giám đốc Bệnh viện dã chiến số 1, TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.
Bác sĩ Hồng Công Danh, Phó giám đốc Bệnh viện dã chiến số 1, TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu. |
“Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên bệnh viện tổ chức cho các F0 xuất viện, cả bệnh nhân và bác sĩ đều rất vui. Ngồi trên xe, đi trên đường hay thậm chí cả lúc xuống xe, họ đều vẫy tay chào chúng tôi. Khi đó, cảm xúc hạnh phúc không thể giấu nổi, vui vì đã hoàn thành nhiệm vụ của mình”, bác sĩ Danh xúc động nhớ lại.
Cảm xúc càng đặc biệt hơn trong lần cơ sở y tế này tạm biệt hơn 800 F0 vào ngày 20/7. Đó là ngày có số người xuất viện cao nhất kể từ khi làn sóng Covid-19 lần thứ 4 bùng phát. Sáng 21/7, niềm vui tiếp tục nhân đôi khi có thêm 300 người xuất viện.
Các bệnh nhân được xe riêng của bệnh viện đưa đón về địa phương. Đây cũng là quy định của Bộ Y tế nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Theo bác sĩ Danh, do số lượng F0 xuất viện lớn, đến tối 20/7, nhiều xe vẫn tiếp tục tới đón các bệnh nhân về địa phương.
Để đảm bảo nguyên tắc phòng dịch, các bệnh nhân và y, bác sĩ hạn chế trao đổi trong thời điểm F0 được phép xuất viện. Dù phải đứng từ xa hướng dẫn, bác sĩ Danh vẫn không thể quên đôi mắt ánh lên niềm vui của người bệnh hay những em nhỏ.
"Lần đầu tiên chia tay các F0, chúng tôi khá bồi hồi. Trong lòng cũng dâng lên cảm xúc khó tả. Bởi mỗi chuyến xe rời đi, khoảnh khắc chúng ta chiến thắng đại dịch Covid-19 lại càng gần hơn", bác sĩ Danh nói.
Nhớ người thân khi thấy bệnh nhân được đoàn tụ
Bác sĩ Nguyễn Thành Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện dã chiến số 1 TP.HCM, cho biết tính đến nay, đơn vị này đã có hơn 2.000 F0 được xuất viện.
"Gần 2.300 F0 xuất viện có lẽ là điều chúng tôi vui nhất từ trước đến nay. Dự kiến, nhiều người được xuất viện trong những ngày tới", bác sĩ Tâm vui mừng thông báo.
Bác sĩ Tâm (phải) và bác sĩ Danh (giữa) ký giấy xác nhận cho F0 xuất viện. Ảnh: Thành Tâm.
Bác sĩ Tâm (phải) và bác sĩ Danh (giữa) ký giấy xác nhận cho F0 xuất viện. Ảnh: Thành Tâm. |
Đặc biệt, theo vị bác sĩ này, số lượng lớn F0 xuất viện là tín hiệu đáng mừng cho ngành y tế, giảm áp được một phần, có thêm động lực chống dịch.
Chia tay người thân, gia đình từ 12/6, đến nay, anh Tâm chưa về nhà. Nhận nhiệm vụ quan trọng nên bác sĩ này luôn túc trực bên người bệnh. Do đó, nhìn thấy những bệnh nhân được trở về với người thân, anh Tâm không khỏi nhớ nhà.
"Thấy người dân được đoàn tụ gia đình, tôi cũng nôn nao. Tôi chỉ có một tâm niệm đó là các bệnh nhân sớm được xuất viện. Số lượng F0 xuất viện càng nhiều, thời gian tôi được gặp gia đình càng gần hơn", anh nói.